Tìm Hiểu Các Loại Củ Có Tác Dụng Tốt Cho Mắt và Thị Lực?

Đăng ngày 28/06/2024

Cà rốt, khoai lang, khoai tây, củ cải và củ dền chứa beta-carotene, lutein, vitamin C, A, kali có thể ngăn ngừa gốc tự do gây tổn thương và lão hóa tế bào mắt, cải thiện thị lực.

Ánh sáng xanh từ thiết bị điện tử (điện thoại, máy vi tính), khói bụi, tia UV có thể ảnh hưởng đến thị lực. Bác sĩ Hoàng Quyết Tiến, Trung tâm Thông tin Y khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết một trong những cách hỗ trợ bảo vệ mắt hiệu quả là bổ sung thực phẩm có lợi vào chế độ ăn uống hàng ngày.

Dưới đây là những loại củ quen thuộc giàu dưỡng chất cần thiết để đôi mắt sáng khỏe.

Cà rốt

có tác dụng làm sáng mắt, cải thiện thị lực. Thực phẩm này chứa nhiều beta-carotene và lutein – chất chống oxy hóa mạnh có khả năng ngăn ngừa các gốc tự do gây tổn thương và lão hóa tế bào mắt. Lutein hỗ trợ phòng tránh tình trạng thoái hóa điểm vàng thường gặp ở người cao tuổi, gây mất khả năng nhìn ở vùng trung tâm thị giác. Beta-carotene có khả năng chuyển hóa thành vitamin A cần thiết để hình thành rhodopsin – sắc tố nhạy cảm với ánh sáng ở võng mạc, giúp mắt nhìn rõ trong điều kiện thiếu sáng.

Khoai lang

cung cấp beta-carotene, chất xơ và kali dồi dào. Kali cần thiết cho quá trình hình thành và duy trì độ dày của màng nước mắt, hạn chế tình trạng khô mắt và bảo vệ mắt khỏe mạnh. Khoai lang còn chứa nhiều vitamin C hỗ trợ ngăn ngừa gốc tự do, làm tăng lượng thủy dịch ở mắt. Người thường xuyên bổ sung vitamin C có nguy cơ bị đục thủy tinh thể thấp hơn. Khoai lang tím chứa thành phần anthocyanin – một loại flavonoid có công dụng tốt đối với sức khỏe thị giác. Dưỡng chất này bảo vệ và thúc đẩy sự phân chia của tế bào biểu mô sắc tố võng mạc ở mắt, hạn chế tác hại của ánh sáng xanh từ thiết bị điện tử và hỗ trợ ngăn ngừa nhiều bệnh lý về mắt.

Khoai tây

bổ sung kali, vitamin C, vitamin B6, chất chống oxy hóa tự nhiên như glutathione, catechin và nhất là lutein. Thành phần vitamin B3 (niacin) trong khoai tây có mối liên hệ với việc giảm bệnh tăng nhãn áp. Một củ khoai tây nướng lớn có thể bổ sung đến 4,2 mg niacin, chiếm 25% nhu cầu niacin được khuyến nghị mỗi ngày đối với nam giới và 30% đối với nữ giới.

Củ cải

chứa hàm lượng cao kali, vitamin C, vitamin nhóm B (B2, B3, B6…) và các chất chống oxy hóa tự nhiên khác. Củ cải còn giàu kẽm, có khả năng duy trì sức khỏe của võng mạc, màng tế bào và cấu trúc protein ở mắt, giúp giảm nguy cơ thoái hóa điểm vàng và đục thủy tinh thể.

Củ dền

chứa nhiều beta-carotene, lutein và zeaxanthin, các chất chống oxy hóa mạnh giúp bảo vệ mắt khỏi các gốc tự do gây tổn thương. Beta-carotene chuyển hóa thành vitamin A, cần thiết cho việc duy trì thị lực tốt và giúp mắt thích ứng với ánh sáng yếu. Lutein và zeaxanthin đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ điểm vàng của mắt, giúp ngăn ngừa thoái hóa điểm vàng và đục thủy tinh thể.

Củ hành tây

chứa quercetin, một chất chống oxy hóa mạnh có tác dụng bảo vệ mắt khỏi các tác nhân gây hại từ môi trường và ánh sáng xanh. Hành tây cũng giàu vitamin C, hỗ trợ ngăn ngừa thoái hóa điểm vàng và đục thủy tinh thể.

Củ đậu

giàu vitamin B1, B2, C và các khoáng chất như kẽm, giúp bảo vệ mắt khỏi các gốc tự do và cải thiện sức khỏe của võng mạc. Vitamin B2 (riboflavin) trong củ đậu giúp bảo vệ các tế bào thần kinh thị giác, giảm nguy cơ mắc các bệnh về mắt như đục thủy tinh thể.

Bác sĩ Tiến cho biết thêm tinh chất thiên nhiên broccophane, chiết xuất từ một loại bông cải xanh broccoli hỗ trợ gia tăng tổng hợp thioredoxin, bảo vệ tế bào biểu mô sắc tố võng mạc và thủy tinh thể.

Nên khám mắt định kỳ, hạn chế sử dụng thiết bị điện tử trong thời gian dài, vệ sinh mắt đúng cách theo tư vấn của bác sĩ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *